Think Support Think Global
Bạn cần kiểm tra thông tin trên visa được cấp, có 2 thông tin cần lưu ý là “Expiration Date” tức là ngày hết hạn và “Entries” là số lần nhập cảnh – thông thường có kí hiệu M – Multiple nghĩa là được nhập cảnh nhiều lần. Bạn có thể đến cửa khẩu xin nhập cảnh vào Mỹ theo đúng số lần được cấp và trước ngày visa hết hạn.
Bạn bắt buộc phải có visa để xin nhập cảnh vào Mỹ (trừ một số ít trường hợp được miễn visa). Tuy nhiên có sự khác nhau về hạn sử dụng visa (dài nhất là 12 tháng) và hạn lưu trú ở Mỹ (có thể chỉ vài ngày). Thời hạn lưu trú được cấp tùy vào việc bạn khai báo mục đích nhập cảnh cho viên chức Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) hoặc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) và họ sẽ cấp phép cho bạn ở Mỹ từ vài ngày đến vài tuần hoặc lâu hơn. Nếu bạn muốn ở lâu hơn thời hạn được cấp phép, bạn cần gửi đơn đăng kí với Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS). Bạn tuyệt đối không nên tự ý ở quá hạn lưu trú vì có khả năng sẽ ảnh hưởng đến những lần xin visa sau này.
Bạn có thể đến Mỹ ngay trước ngày cuối cùng có hiệu lực được ghi trên visa.
Nhân viên của Cơ quan Hải quan và Biên phòng sẽ quyết định thời gian bạn lưu trú tại Mỹ. Visa của bạn có thể hết hạn trong khi bạn đang ở Mỹ – chỉ cần đảm bảo rằng bạn không lưu trú quá thời gian được nhân viên cho phép.
Ban có thể sử dụng đồng thời cả hai hộ chiếu cũ và mới nếu visa của bạn còn hạn nhưng được dán trên hộ chiếu cũ, với điều kiện thông tin cá nhân của bạn trên hai hộ chiếu là hoàn toàn giống nhau.
Hồ sơ xin visa là cơ sở để viên chức kiểm tra và đánh giá, xét duyệt cấp visa cho bạn. Tuy nhiên việc bạn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ không đảm bảo được 100% bạn sẽ được cấp visa. Điều quan trọng khi xin visa Mỹ không định cư là thông qua hồ sơ và việc trả lời phỏng vấn, bạn phải thuyết phục được viên chức phỏng vấn rằng bạn có mối quan hệ và sự ràng buộc chắc chắn với nơi bạn cư trú ngoài Mỹ và bạn sẽ rời Mỹ sau chuyến đi. Do đó ngoài việc chuẩn bị hồ sơ,bạn cần chuẩn bị cả tâm lý sẵn sàng trả lời phỏng vấn một cách rõ ràng, đầy đủ và chính xác để tăng khả năng được xét cấp visa.
Mặc dù hiện nay, cơ quan xét duyệt hồ sơ xin visa Mỹ không đưa ra bất kỳ một quy tắc chung nào về những hồ sơ được xét cấp visa Mỹ hay những hồ sơ nên bị đánh trượt visa Mỹ, tuy nhiên, tùy theo độ tuổi mà lãnh sự quán Mỹ sẽ xem xét những yếu tố khác nhau.
Với những du khách trung niên, lớn tuổi, người về hưu, v.v. thì điều kiện để được xét cấp visa Mỹ khá thoáng: những yếu tố về tài chính, hộ chiếu, lịch sử du lịch, v.v. thường không quá khắt khe. Không hiếm trường hợp du khách chỉ mới đi du lịch đến những nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, v.v. nhưng vẫn được lãnh sự quán đồng ý cấp visa Mỹ.
Còn đối với những du khách còn trẻ, độc thân và không có việc làm ổn định, khả năng đạt visa tùy thuộc vào việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và chứng minh được rằng bạn chắc chắn sẽ rời khỏi Mỹ sau chuyến đi bằng cách đưa ra những mối quan hệ và sự ràng buộc của bạn với nơi bạn sinh sống bên ngoài nước Mỹ. Do đó, nếu bạn có gia đình, vợ chồng, con cái tại Việt Nam, có việc làm ổn định với mức thu nhập cao… phần nào chứng tỏ bạn có mối ràng buộc vững chắc và sẽ trở về Việt Nam sau khi kết thúc chuyến đi chứ không có ý định ở lại Mỹ vì mục đích lao động hoặc kết hôn.
Tuy nhiên, một quyển hộ chiếu đẹp – từng đi du lịch và trở về đúng hạn ở những nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Úc, v.v. sẽ là bằng chứng có sức thuyết phục cao đối với Lãnh sự quán. Du khách nên đi ít nhất 2 nước thuộc nhóm nước phát triển như trên để nâng cao khả năng đậu visa Mỹ.
Visa du lịch được cấp cho đương đơn lưu trú ngắn ngày vì mục đích thương mại hoặc giải trí. “Thương mại” ở đây không bao gồm việc đi làm có thu nhập, mà chỉ gồm những hoạt động hợp pháp có liên quan đến kinh doanh. Một đương đơn với visa du lịch B-1 có thể gặp gỡ đối tác, đàm phán hợp đồng, mua hàng hóa vật liệu, thành lập cơ sở kinh doanh, xuất hiện tại tòa án như một nhân chứng, tham dự các hội nghị hoặc sự kiện thương mại, hoặc tiến hành các nghiên cứu độc lập. “Giải trí” ở đây thường bao gồm các mục đích như du lịch, thăm bạn bè hay người thân, điều trị y khoa, tham dự các hội nghị hay sự kiện, lễ hội của các tổ chức xã hội hoặc hữu nghị, hoặc tham gia không chuyên nghiệp (không nhận thù lao) vào các hoạt động âm nhạc, thể thao, hoặc các cuộc thi và sự kiện tương tự.
Tại buổi phỏng vấn, bạn nên trình bày rõ ràng mục đích của chuyến đi đến Hoa Kỳ. Viên chức sẽ xác định loại thị thực phù hợp cho bạn.
Khi bạn nhập cảnh tại cửa khẩu, Viên chức thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) sẽ cấp phép thời hạn lưu trú cho bạn, do đó viên chức Lãnh sự phỏng vấn bạn sẽ không liên quan đến thủ tục này. Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ thường cho phép bạn ở lại Hoa Kỳ trong thời gian cần thiết để hoàn thành mục đích của chuyến đi. Tuy nhiên, nếu bạn ở lại Hoa Kỳ lâu hơn thời gian đã trình bày tại buổi phỏng vấn xin visa phần nào sẽ gây ảnh hưởng đến các lần nộp đơn kế tiếp trong tương lai. Do đó GS khuyên bạn nên cố gắng thu xếp rời Mỹ trước khi hết hạn lưu trú. Trong trường hợp bất đắc dĩ bạn cần ở lại để giải quyết công việc quan trọng, bạn cần đăng kí gia hạn lưu trú bằng cách gửi đơn cho Sở Di trú và Nhập tịch (USCIS).
Thông thường, bạn có thể nộp đơn xin visa không định cư tại bất kỳ Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở bất kì quốc gia nào. Tuy nhiên, nếu bạn nộp đơn xin visa tại Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở quốc gia nơi mình không cư trú, có hai vấn đề cần lưu ý là rào cản ngôn ngữ - trong trường hợp bạn không biết tiếng Anh, và viên chức sẽ khó có thể xác định chính xác hoàn cảnh của bạn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho bạn trong việc chứng minh mình hội đủ điều kiện được cấp thị thực.
Có, hầu hết đương đơn xin visa Mỹ đều cần phải tham gia phỏng vấn. Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ đối với yêu cầu phỏng vấn.
Những đương đơn sau thường không phải có mặt trực tiếp: Đương đơn xin visa A-1, A-2 (khách viên chức thực hiện công việc chính phủ trung ương), C-2, C-3 (viên chức chính phủ trung ương quá cảnh để thực hiện công việc của chính phủ trung ương) hoặc G-1, G-2, G-3, G-4 (viên chức chính phủ trung ương đi lại liên quan đến một tổ chức quốc tế hoặc nhân viên của một tổ chức quốc tế).
Ngày sinh trên hộ chiếu của bạn phải trùng khớp với ngày sinh trên giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân (CMND). Nếu ngày sinh trên hộ chiếu không trùng khớp với ngày sinh trên giấy khai sinh hoặc CMND, bạn phải đến Cục quản lý Xuất nhập cảnh thuộc tỉnh/TP nơi cư trú để xin điều chỉnh hộ chiếu, hoặc xin cấp mới hộ chiếu cho trùng khớp thông tin trên CMND và giấy khai sinh trước khi đi phỏng vấn. Nếu bạn không điều chỉnh ngày sinh trên hộ chiếu trước cuộc phỏng vấn, có thể bạn sẽ được yêu cầu quay lại phỏng vấn sau khi thông tin được điều chỉnh. Nếu giấy khai sinh và CMND chỉ có năm sinh, Đại sứ quán/Lãnh sự quán sẽ chấp nhận hộ chiếu chỉ có năm sinh.
Thẻ APEC (hay thẻ doanh nhân APEC, thẻ ABTC) là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước và vùng lãnh thổ tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp cho doanh nhân của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; hoặc tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC tham gia Chương trình.
Người mang thẻ ABTC, khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần phải có thị thực của các nước và vùng lãnh thổ đó. Tên của các quốc gia này được ghi viết tắt ở mặt sau của thẻ.
Tuy nhiên, theo Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ, kể cả khi bạn có thẻ APEC, bạn vẫn cần xin thị thực để vào Mỹ. Thẻ APEC không thể dùng để thay thế cho visa Mỹ. Việc sở hữu thẻ APEC không ảnh hưởng gì đến các qui định về xin thị thực, tiến trình cấp thị thực hay tiêu chuẩn để được cấp visa Mỹ.
Nếu bạn có visa B1/B2 còn hiệu lực thì bạn có thể sử dụng để quá cản tại Mỹ và không cần xin cấp visa quá cảnh loại C-1. Nhưng nếu bạn không có visa B hoặc visa B đã hết hạn, bạn cần xin visa C-1 trước chuyến đi để sử dụng quá cảnh tại Mỹ nhé.
Bạn nên nộp đơn xin visa học sinh ngay sau khi nhận được mẫu đơn I-20 nhằm đảm bảo hồ sơ visa có đầy đủ thời gian để chờ xét duyệt. Trong trường hợp hồ sơ đã được xét duyệt xong nhưng thời gian nhập học còn xa, visa học sinh sẽ được cấp trong 120 ngày trước ngày bắt đầu nhập học nêu trên mẫu đơn chấp thuận nhập học của trường (I-20).
Theo quy định, đối với lần nhập cảnh đầu tiên, bạn chỉ có thể nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 30 ngày tính từ ngày bắt đầu khóa học được nêu trong mẫu đơn I-20 bất kể thị thực của bạn đã được cấp khi nào. Do đó các du học sinh nên cân nhắc việc thu xếp thời gian nhập cảnh phù hợp nhé.
Theo quy định, bạn chỉ có thể nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 10 ngày tính từ ngày bắt đầu chương trình trao đổi được nêu trong mẫu đơn DS-2019 bất kể thị thực của bạn đã được cấp khi nào. Do đó các trao đổi sinh nên cân nhắc việc thu xếp thời gian nhập cảnh phù hợp nhé.
Rất tiếc, theo thông tin từ Đại sứ quán/Lãnh sự quán thì nếu như hồ sơ visa của bạn bị từ chối hoặc không đủ điều kiện theo mục 214(b), bộ phận Lãnh sự không thể thực hiện thêm hành động nào và cũng không có quy trình kháng cáo. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy có những thông tin quan trọng cần cân nhắc có thể ảnh hưởng đến quyết định cấp visa, hoặc sau lần bị từ chối cấp visa đó, tình trạng hồ sơ của bạn đã có một số các thay đổi, bạn có thể nộp đơn visa mới. Bạn sẽ thực hiện lại toàn bộ quy trình nộp đơn và đi phỏng vấn một lần nữa.
Bạn cũng có thể liên hệ với GS để được tư vấn cặn kẽ và có sự chuẩn bị đầy đủ hơn cho lần xin visa kế tiếp nhé!
© 2020 Copyright by Global Support. All rights reserved