Đóng

FAQ về Visa Mỹ diện định cư

Câu hỏi thường gặp về Visa Mỹ diện định cư

1. Tôi có thể tìm kiếm thêm thông tin về thủ tục và mẫu đơn điện tử DS-260 ở đâu?

Để tìm hiểu về những thắc mắc thường gặp khi điền mẫu đơn DS-260, bạn có thể truy cập vào trang DS-260 FAQs tại đây: https://travel.state.gov/content/travel/en/us-visas/visa-information-resources/forms/online-immigrant-visa-forms/ds-260-faqs.html

Thông tin trên trang này chỉ có tiếng Anh nhé!

2. Làm sao để được xếp lịch hẹn phỏng vấn định cư sớm hơn ?

Do số lượng hồ sơ phải giải quyết rất nhiều và để đảm bảo công bằng cho tất cả các đương đơn, Tổng Lãnh sự quán sẽ không thể xếp lịch phỏng vấn không theo trình tự trừ trường hợp khẩn cấp cần sang Hoa Kỳ sớm. Bạn cần liên hệ trực tiếp với Tổng Lãnh sự quán nếu có nhu cầu phỏng vấn gấp.

3. Tôi có thể được phỏng vấn trước khi ngày ưu tiên hồ sơ đến lượt giải quyết không?

Tổng Lãnh sự quán sẽ không thể giải quyết hồ sơ nếu ngày ưu tiên của hồ sơ chưa đến lượt giải quyết. Không có điều luật nào cho phép giải quyết hồ sơ không theo trình tự, ngay cả vì lý do nhân đạo Tổng Lãnh sự quán sẽ xếp lịch phỏng vấn khi hồ sơ đến lượt giải quyết. Bạn có thể tham khảo thông tin về ngày ưu tiên trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: https://travel.state.gov/content/travel/en/legal/visa-law0/visa-bulletin.html

4. Tôi có cần phải dịch tất cả các giấy tờ cá nhân sang tiếng Anh?

Giấy tờ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt được chấp nhận và có thể không cần bản dịch. Giấy tờ bằng các ngôn ngữ khác phải được dịch sang tiếng Anh. Bản dịch tiếng Anh phải có công chứng ghi rõ 1) “Bản dịch chính xác” và 2) “người dịch đủ năng lực dịch thuật”.

Trong một số trường hợp đặc biệt, một số giấy tờ bằng tiếng Việt cũng có thể được yêu cầu dịch sang tiếng Anh.

5. Tôi phải xin phiếu Lý lịch Tư Pháp ở đâu?

Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 được cấp bởi Sở Tư Pháp tỉnh/ thành phố nơi đương đơn đang sinh sống hoặc nơi đăng ký thường trú hợp pháp theo Hộ khẩu và mất khoảng 10 ngày để hoàn tất. Đương đơn phải đích thân yêu cầu phiếu Lý lịch Tư Pháp số 2 và không thể ủy quyền cho người khác thay mặt đương đơn xin phiếu này.

Nếu sống tại TP. Hồ Chí Minh, đương đơn có thể liên hệ Sở Tư Pháp tại 143 Pasteur, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

6. Người mở hồ sơ bảo lãnh cho tôi hiện đang thất nghiệp, vậy người đó có cần phải nộp đơn Bảo trợ Tài chánh không?

Cần. Người bảo lãnh vẫn phải nộp đơn Bảo trợ Tài chánh I-864 ngay cả khi người bảo lãnh không đủ thu nhập để bảo trợ đương đơn. Người bảo lãnh sẽ có hai lựa chọn: 1) tìm một “người đồng tài trợ”, người cùng bảo trợ tài chánh cho đương đơn (làm mẫu đơn I-864), hoặc 2) dùng thu nhập của một thành viên gia đình sống cùng địa chỉ để đạt mức Thu nhập tối thiểu để bảo trợ tài chánh (làm mẫu đơn I-864A).

Mỗi mẫu I-864 hay I-864A đều phải nộp kèm bằng chứng về tình trạng cư ngụ hợp pháp tại Hoa Kỳ của người nộp thuế (hộ chiếu Hoa Kỳ hay Thẻ thường trú nhân), bản ghi khai thuế do Sở Thuế Liên Bang (IRS) cấp (IRS tax transcripts) và bằng chứng về công việc hiện tại (bảng lương gần nhất hoặc hợp đồng có ghi mức lương). Bản sao và bản chụp (scanned) của các mẫu đơn I-864 và những chứng từ bảo trợ cũng được chấp nhận.

7. Khi không thể nộp một loại giấy tờ nào đó mà Lãnh sự quán yêu cầu, tôi cần phải làm gì?

Nếu bạn không cung cấp được thông tin mà viên chức phỏng vấn yêu cầu, bạn cần nộp thư giải thích lý do tại sao bạn không thể thực hiện được yêu cầu đó. Viên chức sẽ xem xét duyệt hồ sơ sau khi bạn nộp thư giải thích.

8. Đơn xin thị thực của tôi bị trả về Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ , bây giờ tôi có thể làm gì?

Ngay cả khi bị trả về Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ, hồ sơ cũng không tự động bị hủy bỏ. Người bảo lãnh sẽ có cơ hội chứng minh với Sở Di trú khi Sở Di trú xem xét hồ sơ. Sở Di trú có quyền tái chấp thuận hồ sơ bảo lãnh. Nếu muốn khiếu nại hồ sơ bị từ chối, người bảo lãnh có thể liên hệ Sở Di trú nơi mở hồ sơ trước đây. Tuy nhiên có thể phải mất vài tháng để Sở Di trú nhận được hồ sơ trả về từ Lãnh sự quán. Hồ sơ xin thị thực và các thông tin bổ sung đều được xem xét theo đúng luật pháp Hoa Kỳ ở văn phòng Tổng Lãnh sự quán cũng như ở Sở Di trú.

9. Đương đơn xin thị thực định cư không nhận được gói hồ sơ trong một phong bì có niêm phong để mang theo trên máy bay đến Hoa Kỳ ?

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bắt đầu xử lý qua hệ thống điện tử một số hồ sơ xin thị thực định cư. Nếu Trung tâm Thị thực quốc gia hoặc Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán yêu cầu bạn gửi qua hệ thống điện tử các giấy tờ dân sự và giấy tờ bảo trợ tài chính thông qua cổng thông tin CEAC, nghĩa là thị thực của bạn đã được cấp theo quy trình của hệ thống điện tử mới. Tất cả các thị thực được cấp theo quy trình của hệ thống điện tử mới này đều có câu ghi chú “IV DOCS IN CCD”.

Nếu thị thực của bạn có câu ghi chú này, nghĩa là bạn không cần mang theo phong bì có niêm phong khi nhập cảnh Hoa Kỳ, trừ khi bạn nhận được thông tin hướng dẫn cụ thể nào đó từ phía Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán nơi đã phỏng vấn và cấp thị thực cho bạn. Hãy yên tâm rằng các giấy tờ của bạn đã được truyền phát bằng hệ thống điện tử từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (DHS/CBP), đây là những cơ quan kiểm tra tất cả những người định cư nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Khi bạn đến Khu Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Hoa Kỳ, các nhân viên của Cơ quan Hải quan và Biên phòng (CBP) sẽ truy cập được tất cả các thông tin cần thiết để xử lý việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ của bạn. Quy trình dựa trên hệ thống điện tử mới này sẽ giúp tinh giản việc xử lý hồ sơ xin thị thực định cư và việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ của bạn.

10. Tại sao một số người được yêu cầu mang theo phong bì có niêm phong đến Cửa khẩu Hoa Kỳ trong khi một số khác thì không ?

Việc xử lý qua hệ thống điện tử một số hồ sơ xin thị thực định cư bắt đầu vào năm 2018. Cho đến khi quy trình mới này được áp dụng hoàn toàn, một số đương đơn được cấp thị thực định cư vẫn sẽ phải mang theo một gói hồ sơ trong một phong bì niêm phong khi đến cửa khẩu Hoa Kỳ.

Những cá nhân này sẽ KHÔNG có câu ghi chú “IV DOCS in CCD” được in ở góc dưới bên phải trên thị thực của họ.

facebook chat
error: Nội dung được bảo vệ!!
icon-skype